Subscribe box

Nhập địa chỉ Email và bấm đăng ký, bạn sẽ nhận được bài viết mới nhất từ Bác Sĩ Windows hoàn toàn miễn phí qua inbox!!

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Test link

Tớ đã build Multiboot Toolkit như thế nào ? Phần 1



Nếu như việc cài đặt nhiều hệ điều hành trên cùng một phần cứng máy tính (MultiOS) đã khó thì việc tạo một thiết bị khởi động (MultibootUSB) càng khó hơn. Cái khó ở đây là bạn phải biết cách kết hợp mọi thứ lại làm một mà vẫn khiến chúng hoạt động tốt. Tài liệu build công cụ boot này khá ít, lộn xộn và khó hiểu, chủ yếu là Tiếng Anh vì nó vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu và hoàn thiện.

Nói trước một điều, công việc phát triển công cụ boot sẽ rất gian nan nhưng cũng không kém phần thú vị. Đến với Multiboot bạn cần phải tự học, nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều mới có được kết quả (giống như một nhà khoa học máy tính vậy). Tất nhiên, với những chia sẻ trong chuỗi bài viết này. Tớ tin rằng các bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Con số đó có lẽ nhỏ hơn nhiều so với khoảng thời gian mà tớ tự học và ngâm cứu. Yên tâm đi, tất cả kiến thức mà tớ dành cho các bạn là hoàn toàn miễn phí ;)

"Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản" Nếu bạn hứng thú với chủ đề này chúng ta sẽ cùng tiếp tục ^_^



Phần 1: Cách thiết lập môi trường ảo hóa và công cụ test

Trong quá trình build một thiết bị boot bạn sẽ cần phải kiểm tra khá nhiều bằng cách cài đặt, chạy thử và xem cách ứng xử của hệ thống để đưa ra giải pháp cho phù hợp. Việc cài đặt và test liên tục trên một thiết bị thật như USB hay ổ cứng di động nhiều sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị và thời gian chờ cũng lâu hơn do giới hạn tốc độ của phần cứng. Và không phải lúc nào ta cũng phải khởi động lại máy tính liên tục để kiểm tra thiết bị boot có làm việc đúng như ta mong đợi hay không. Một tin vui cho các bạn là ta hoàn toàn có thể mô phỏng thiết bị boot và quá trình boot một cách hoàn hảo hơn 90% so với test trên phần cứng thật.

1. Cách tạo ổ cứng ảo

Ổ cứng ảo được sử dụng rộng rất rộng rãi. Nó có thể là một phần của một máy tính ảo hóa hoặc các ổ cứng ảo VHD do chính Windows hỗ trợ để tạo boot, lưu trữ và mã hóa dữ liệu.

Khi tạo ổ cứng ảo thực chất nó tạo ra một file .vdi (VirtualBox), .vmx (VMware) hay .vhd .vhdx (VHD) chứa thông tin giả lập bảng phân vùng của một ổ cứng. Sau khi tạo ra ta mount nó và nó sẽ xuất hiện trong trình quản lý Explorer như một ổ cứng bình thường. Nếu bạn đã từng sử dụng các file ảnh ISO (là dạng ảo hóa của ổ CD/DVD) thì cách hoạt động cũng tương tự. Tốc độ đọc ghi của ổ ảo phụ thuộc vào nơi bạn lưu trữ file giả lập, tức là bạn lưu trên ổ cứng thì tốc độ chép file vào nhanh, để trên USB thì tốc độ chép file vào chậm.

Ổ cứng ảo sẽ có 2 dạng tương ứng với hai cách mà nó chiếm dung lượng trên ổ vật lý:
  • Dinamically Expanding: file giả lập của ổ ảo có dung lượng rất nhỏ và nó sẽ phình ra tùy vào lượng dữ liệu mà bạn chép vào. Khi xóa dữ liệu đi dung lượng chiếm không tự động nhỏ lại. Nếu chép thêm dữ liệu dung lượng chiếm trên ổ vật lý có thể lại phình ra thêm (nguyên nhân do cách dữ liệu sắp xếp trên sector của ổ cứng vật lý thôi bạn, nếu có thời gian mình sẽ viết bài về cứu dữ liệu và sẽ giải thích kỹ hơn về cơ chế này). Đối với dạng này, mặc dù ổ cứng thật nơi chứa file ảo hóa của nó có kích thước giới hạn nhưng bạn hoàn toàn có thể thiết lập dung lượng ổ ảo lớn hơn gấp nhiều lần (nhưng tất nhiên lượng dữ liệu tối đa có thể lưu trữ vẫn nằm trong giới hạn của ổ cứng vật lý của bạn)
  • Fixed Size: dung lượng ổ ảo khi thiết lập bao nhiêu sẽ chiếm dung lượng lưu trữ trên ổ cứng vật lý bấy nhiêu, con số này là cố định. Cho dù bạn có chép dữ liệu có dung lượng thấp thì dung lượng chiếm của ổ ảo này vẫn bằng con số mà ta thiết lập từ đầu cho nó.
Ở bài này để thuận tiện mình chỉ sử dụng ổ cứng VHD. Bạn có thể sử dụng trình quản lý ổ đĩa Disk Management mặc định của Windows để tạo nhưng tính năng khá giới hạn. Riêng mình thích sử dụng Simple VHD Manager (download) của Sordum hơn ^^


Sau khi tạo ổ đĩa ảo nó sẽ tự động được mount nhưng bạn sẽ không thấy được nó trên trình quản lý ổ đĩa Explorer. Lý do là ổ ảo này chưa được format bạn cần dùng một tool phân vùng để format hoặc tạo lại phân vùng mới cho nó.



Một vấn đề nữa là mặc định ổ cứng ảo sử dụng bảng phân vùng MBR, nếu muốn test thiết bị boot trên GPT bạn cần dùng tool phân vùng để conver nó sang ổ GPT. (Có thể dùng Diskpart nếu bạn biết thao tác ở Command Prompt ^^ ). Nhưng với những bạn mới mình khuyên nên sử dụng một phần mềm quản lý phân vùng như AOMEI Partition Assistant hay Minitool Partition Wizard cho trực quan.





Ở các lần khởi động tiếp theo, có thể ổ VHD sẽ không tự động mount nữa cho bạn. Bạn chỉ cần mở lại Simple VHD Manager >> chuột phải vào tên ổ đĩa đã tạo >> chọn attach là được.


2. Cách tạo máy tính ảo và thiết lập chuẩn boot

Ngoài ổ cứng ảo để giả lập một thiết bị rời như USB hay một chiếc ổ cứng di động thì bạn cần chuẩn bị một chiếc máy tính ảo nữa. Nếu như VMware được mệnh danh là vua trong phần mềm tạo máy tính ảo có trả phí thì VirtualBox là vua trong thế giới phần mềm nguồn mở. Nhưng không phải cứ phần mềm trả phí là tốt nhất. Tin tớ đi ;) Trong kinh nghiệm nhiều năm chơi ảo hóa, để giả lập hệ thống boot thì VirtualBox vẫn tốt hơn cả.

Quá trình ảo hóa sẽ cần một phần cứng đủ mạnh (ram ít nhất 4GB) cùng với hệ điều hành làm máy chủ là phiên bản 64bit. Nếu bạn đang xài Windows 32bit thì mình khuyên không nên dùng nó làm máy chủ để thực hiện việc ảo hóa này.

Bước 1: Lên trang chủ VirtuaBox (HomePages) >> Click vào dòng Windows hosts để tải bộ cài VirtualBox về.
Bước 2: Cài đặt bình thường như tất cả các phần mềm khác.
Bước 3: Tạo mới máy ảo giả lập và tùy chỉnh

3. Cách khởi động thiết bị ảo hóa trong môi trường giả lập

Có ổ ảo và máy tính ảo thì bạn đã có thể test được khả năng boot rồi nhưng mỗi lần thay đổi các ổ ảo hay thiết bị boot thật sẽ khá mất thời gian và rườm rà. May mắn cộng đồng reboot.pro đã cho ra một tool mang tên là Virtual Machine USB Boot (download) để hỗ trợ boot các thiết bị di động vào môi trường ảo hóa thông qua VirtualBox.

Sau khi đã tạo máy ảo và tùy chỉnh như trên, ta chỉ việc chạy tool và làm theo hình



Đơn giản vậy thôi, tiếp theo bạn có thể cài thử Multiboot Toolkit lên một ổ cứng ảo và test thử nó xem hệ thống ảo hóa đã hoạt động tốt chưa ^^

Vậy cần phải trang bị thêm kiến thức và công cụ gì để tự xây dựng một công cụ Multiboot cho riêng mình, mời bạn theo dõi ở phần tiếp theo.

(To be continued ...)


Post a Comment